Đồng Hành Việt - Đặt Trọn Niềm Tin!

Dịch trang

Thông Tin của Câu Lạc Bộ

SAPA: BẢN LAO CHẢI - TẢ VAN

 Chúng tôi chuẩn bị hành lý xuống tàu để ra xe tiếp tục chuyến đi đến Sapa. Khí trời buổi sáng mát lạnh. Hơi thở của chúng tôi tỏa khói từ mũi, miệng trông như người hút thuốc. Cảnh vật thật mát mẻ so với thời tiết thường nóng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Con đường từ Lào Cai đi Sapa quanh co và tăng dần độ cao. Sáng sớm, càng lên cao sương mù càng dày nhưng một lúc sau trời hửng nắng nhanh, sương tan và cảnh vật tự nhiên ở đây lộ rõ nét dần. Chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy xa xa những thửa ruộng bậc thang dọc theo con đường. Càng lên cao hình ảnh ruộng bậc thang càng nhiều, càng đẹp thêm ra nhất là qua những đoạn quanh co, chúng tôi có thể thấy ruộng bậc thang ở nhiều hướng, nhìn thẳng, nhìn ngang hông. Từ bất kỳ góc nhìn nào, những mảnh ruộng bậc thang đều có nét đẹp khác nhau với những bờ ruộng uốn cong mềm mại.
Sapa - thị trấn trong mây
Đi khoảng 38 cây số là chúng tôi đến Sapa. Theo người H’Mông thì Sapa được gọi là Sapả nghĩa là ‘bãi cát vàng’. Cái tên Sapa cũng bắt nguồn từ cái tên của một người Pháp là Francoise de Chapa, người đã  tìm ra Sapa năm 1903.
Sapa là tên gọi của thị trấn du lịch nổi tiếng vùng Tây Băc và là tên một huyện của tỉnh Lào Cai. Đến với Sapa, mọi người như thoát ra khỏi những áp lực cuộc sống hàng ngày ở đô thị, những lo toan, tham vọng tạm thời gác lại để thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú, để mải mê nhìn ngắm phong cảnh núi đồi, ruộng nương và những sắc màu trang phục của người dân địa phương trong làn sương mù lãng đãng…
Sapa còn được gọi là thị trấn trong mây hay thị trấn trong sương nhất là về đêm khuya tầm nhìn chỉ còn là vài mét. Mây sa xuống đột ngột ngay khi trời còn đang quang đãng. Người ta "sờ" vào mây, mây mù hòa quyện mát lạnh.
Tuy chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng Sapa đã có trung tâm cung cấp thông tin và giải quyết những khiếu nại hay thắc mắc cho du khách. Trung tâm này cũng là nơi trưng bày và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân tộc trong vùng và là nơi gắn kết doanh nghiệp với nhu cầu khách du lịch...
Nhiệt độ trung bình của Sapa là 150C. Khách du lịch đến Sapa chủ yếu là vào mùa đông vì ở Việt nam thì chỉ có Sapa là nơi khách du lịch mới có cơ hội thưởng ngoạn hình ảnh những bông hoa tuyết rơi phủ trắng khắp nơi.
Sapa gắn với dãy Hoàng Liên Sơn là dãy núi có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 mét, là đỉnh cao nhất Việt Nam. Tuyến du lịch leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng là tuyến du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu chinh phục độ cao, du lịch mạo hiểm.
Đi bộ vào bản làng - mua hàng tận gốc
Những người dân H’Mông đi theo khách du lịch vừa trò chuyện, vừa hỏi xem khách thích mua gì và chào bán những món hàng thủ công, hàng thổ cẩm... Ảnh: Kim Dung
Chúng tôi xuống xe để thực hiện chuyến đi bộ (trekking) khám phá bản làng vùng Lao Chải, nằm cặp theo sườn núi mà chung quanh là ruộng bậc thang. Lao Chải là một xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
"Đón" chúng tôi là một nhóm người dân tộc H’Mông đen. Họ đi theo khách du lịch với vẻ thân thiện trông như những người bạn thân. Vừa đi vừa trò chuyện, vừa hỏi xem khách thích mua gì và chào bán những món hàng thủ công, hàng thổ cẩm, khèn môi…. Không vội vàng, không thôi thúc. Cứ đi và cứ trò chuyện.
Chúng tôi bắt gặp từng nhóm người cùng đi Tây có, Việt có hòa lẫn với sắc màu thổ cẩm trang phục dân tộc thiểu số tạo nên hình ảnh đẹp lạ mắt. Nhà người dân tộc H’mông đen thường xây dựng cặp theo vách núi đồi dường như để tránh những cơn lũ quét xảy ra vào mùa mưa. Trẻ em người dân tộc thường tụ tập lại nơi có khách du lịch. Nhóm trẻ em trong đoàn chúng tôi được khuyến khích mang theo kẹo, bánh để làm quà cho trẻ em người dân tộc. Hành động chia sẻ này làm cho trẻ em người dân tộc rất vui khi có được chiếc bánh, chiếc kẹo, là món xa xỉ đối với con em vùng sâu xa, những nơi thiếu điều kiện.
Nhóm trẻ em trong đoàn chúng tôi đang chia kẹo, bánh làm quà cho các trẻ em người dân tộc. Ảnh: Kim Dung
Do là vùng núi đồi nên việc chuyên chở vật liệu xây dựng toàn là dùng sức người là chính nên chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh khuân vác bằng gùi hay cõng vật nặng sau lưng của người dân tộc ở Lao Chải. Có tận mắt nhìn thấy mới hiểu được sự cơ cực của bà con sống ở vùng cao này.
Nhà của người dân tộc thường nhỏ và trống trải. Du khách có thể nhìn thấy nhiều loại vật dụng như cối xay gạo, giã gạo bằng thủ công và dùng sức chảy của dòng suối thay thế sức người bên hiên nhà hay trong nhà.
Du lịch cộng đồng ở Lào Cai phát triển, khách du lịch đến Sapa thường theo chương trình đi bộ tham quan bản làng hàng ngày nên dọc theo tuyến chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như khung dệt thổ cẩm, công đoạn nhuộm màu sợi vải… từ việc làm của những cụ già, phụ nữ người dân tộc để trình diễn và chào bán sản phẩm tại nhà. Chính đó là cơ hội mua sắm để được đóng góp phần mình trực tiếp cho người dân tộc ở đây. Vì vậy mà đoàn chúng tôi, ai ai cũng tìm mua cho mình một số quà tặng từ các mặt hàng thủ công nhất là các mặt hàng làm từ thổ cẩm, khăn quấn cổ, tấm trang điểm chân giường, khèn…
"Khách sạn nhân dân" trong thung lũng Mường Hoa
Giáp với Lao Chải là Tả Van cũng nằm trong thung lũng Mường Hoa. Bản Tả Van cách Sapa 12km nếu đi bộ qua các bản làng. Tả Van có nghĩa là ‘vòng cung lớn’. Tả Van lưng tựa dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, phiá trước là con suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xòe ra như những cánh cung hòa cùng thế núi. Khu vực Tả Van này còn sót lại những di tích của tập tục thờ đá của người Việt cổ. Nơi đây còn sót lại khu chạm khắc đá cổ với nhiều tảng đá to nhỏ khác nhau. Trên đá người ta khắc nhiều hình ảnh, hoa văn của người cổ xưa. Từ năm 1994 khu đá chạm khắc này được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Khu vực bản làng người dân tộc Giáy ở khu vực Tả Van cũng thưa thớt, ngay cả ở xã. Đường vào bản du lịch Tả Van quanh co men theo sườn núi. Chúng tôi bắt đầu leo dốc để lên Tả Van nơi chúng tôi sẽ nghỉ lại một đêm ở nhà một  gia đình người Giáy. Tả Van là khu vực phát triển loại hình lưu trú trong nhà dân (homestay), nên có thể nhìn thấy rất nhiều nhà treo bảng hiệu và bảng giá để chào mời tiếp đón du khách đến với homestay.
Phần lớn các hộ ở bản Tả Van đều đón khách du lịch nghỉ lại trong nhà mình. Trong ảnh, một đoạn đường đất trong bản rất sạch sẽ. Ảnh: Kim Dung
Cả thôn Tả Van Giáy có khoảng 40 hộ dân và đa số các hộ đều tận dụng nhà mình để làm đón khách du lịch nghỉ ngơi và cùng tham gia mọi sinh hoạt với gia đình chủ nhà để khám phá văn hóa bản địa. Theo thống kê của chính quyền xã thì hàng tháng Tả Van đón hàng ngàn khách du lịch nghỉ với dân, cho thấy thu nhập phụ từ kinh doanh du lịch là con số không phải nhỏ. Bên cạnh đó văn hóa truyền thống của bản như múa quạt, múa the, nhảy sạp, múa khèn…  cũng được duy trì, bảo tồn bằng các họat động đốt lửa ban đêm cho du khách cùng vui chơi.
Người dân ở đây vẫn làm công việc ruộng nương là chính nhưng khi khách đến và có nhu cầu ăn, nghỉ thì họ tạm gác công việc đồng áng của mình để trở thành người làm du lịch, giúp du khách phương xa cái ăn, chỗ nghỉ, để hiểu hơn về văn hóa của bản tộc mình. Chúng tôi đi từ xã theo con đường trải đá lên đến nơi nghỉ mà chẳng thấy có ai quấy rầy. Con đường bản làng thật yên tĩnh, không một tiếng ồn . Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp những người trong bản xuôi ngược với ánh mắt, nụ cười thân thiện, mang chút rụt rè, điều thường thấy ở bà con vùng sâu hay miền núi.
Đa số ngôi nhà người Giáy được xây dựng bên cạnh triền dốc thoai thoải theo ruộng bậc thang làm cho cảnh quan thêm đẹp và thơ mộng rất thích hợp cho chuyến du lịch trăng mật hay nghỉ dưỡng. Bên trong ngôi nhà chúng tôi ở, việc vệ sinh được chủ nhà quan tâm. Ngôi nhà được trang trí đơn giản, tất cả vật dụng đều bằng gỗ, đậm nét văn hoá dân tộc vùng sâu còn lạc hậu. Nhiều thứ bùa ngãi vẫn còn treo trước cửa chính vào nhà để xua đuổi tà ma, xua đuổi điều xấu… Phòng khách gia đình cũng là nơi du khách sinh hoạt, đọc sách, xem truyền hình, được trang trí bằng những tấm thổ cẩm, khèn, chuông gỗ đeo ở cổ trâu bò… và nhiều nhà còn có bàn bi da cho du khách thư giãn.
Bữa cơm trưa của đoàn chúng tôi tại nhà một gia đình người Giáy ở Tả Van. Ảnh: Kim Dung
Chúng tôi có một bữa cơm trưa tươm tất với nhiều món ăn khá hợp khẩu vị do chủ nhà nấu. Chúng tôi cùng chiên chả giò, nấu món canh rau được trồng ngoài nương, món gà kho do nhà tự nuôi… cùng nhau chuẩn bị, cùng nhau dọn bữa ăn một công việc thường làm của mọi người Việt. Thời tiết se se lạnh, mát mẻ dễ chịu cùng món ăn nóng tạo cảm giác ấm cúng dân dã và gia đình. Rượu ngô là món không thể thiếu trong các bữa ăn chính ở vùng đồi núi Tây Bắc này.
Đêm đến, mỗi người chúng tôi có một chiếc nệm gòn, mền, mùng, gối ấm áp được chủ nhà chuẩn bị ngăn nắp sạch sẽ, sắp xếp sẵn trên khu vực gác lửng bao quanh ngôi nhà, có đèn sáng và không khí thì ấm cúng do không có cửa sổ vì thời tiết ở Sapa luôn lạnh về đêm. Do trời mưa nên chúng tôi chẳng có cơ hội để ra ngoài khám phá sinh hoạt về đêm của khu vực Tả Van ngoại trừ việc đọc sách , nghỉ ngơi, đánh bài, và trò chuyện với gia chủ về tập tục người dân tộc, về nương rẫy. Đêm xuống thật tĩnh lặng, rì rào tiếng mưa đêm giúp dỗ về giấc ngũ nhóm lữ hành phương xa.
Tiếng gà gáy đánh thức chúng tôi khi trời vẫn còn mù sương và cảnh vật còn lờ mờ. Bên triền dốc thoai thoải nhìn xuống khung cảnh ruộng bậc thang ánh nước mưa đêm hôm trước  là bức tranh thật đẹp, là tác phẩm của thiên nhiên ban tặng cho đoàn chúng tôi cùng với bữa ăn sáng đạm bạc với trứng gà chiên, bánh mì, khoai nấu, cà phê, trà nóng làm chúng tôi tỉnh táo hơn để tiếp tục đi bộ vượt cầu treo trở ra xe về lại Lào Cai, chuẩn bị quay về với tiếng ồn, bụi bậm của đô thị.
"Du lịch đóng góp" - niềm vui chia sẻ
Đi du lịch để được đóng góp trực tiếp cho người dân tại nơi đến bằng cách nghỉ ngơi ở những ngôi nhà dân dã của đồng bào, được tiếp xúc với sự thân thiện mến khách, hòa mình trong không gian sống gần gũi với thiên nhiên và điều thú vị là được thưởng thức những món ăn địa phương của người dân tộc rất lạ miệng, rất ngon và hấp dẫn làm cho chuyến đi rất có ý nghĩa vì trong việc đi chơi nghỉ dưỡng vui thích của riêng mình mà lại giúp được phần nào đó cho người dân tộc ở vùng cao.
Nhớ có lần vào thời điểm xảy ra sóng thần ở Phuket, đài truyền hình VN có phát sóng việc phỏng vấn khách du lịch đến Phuket liền ngay sau đó. Phóng viên hỏi rằng: “Vì sao trong lúc tang tóc, ảm đạm của thiên tai mà bà lại đến du lịch Phuket?’. Bà khách du lịch trả lời: “Bây giờ, mới là lúc tôi đi du lịch Phuket”. Một câu trả lời rất cảm động và rất có ý nghĩa vì người ta đi du lịch vì muốn chia sẻ cho những ai đang gặp khó khăn để khắc phục thiên tai và chia sẻ cho những ai thiếu thốn hơn mình.
Du lịch nghỉ với người dân địa phương thật sự thoải mái và rất hấp dẫn với những ai yêu thích tính giản dị, thích tìm hiểu, khám phá, năng động với điều kiện sống tương đối. Qua đó du khách có thể hiểu rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc, vừa được thưởng thức những món ăn dân dã, vừa được hòa mình vào không gian sống của người dân tộc, được tìm hiểu những phong tục truyền thống cũng như tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước.